Ngoài các loại nước mắm được chế biến từ cá (cá cơm, cá linh…), người dân Bến Tre còn chế biến được một thứ nước mắm đặc sản đó là nước mắm rươi.
Rươi là một loại côn trùng có màu đỏ, nhiều chân giống như con giời. Chúng thường sinh sản nơi bãi bùn hoặc ở rừng lá vùng nước lợ. Hàng năm, chúng xuất hiện vào thời điểm khoảng tháng 11 và tháng chạp (theo con nước rằm hoặc 30). Nếu quan sát dưới sông vào thời điểm này, chúng ta sẽ thấy từng mảng rươi dày đặc lửng lờ trôi giống như một dòng sông huyết.
Thế là, người dân chuẩn bị đồ nghề đi vớt rươi. Một chiếc vợt tròn đường kính cỡ cái sàng gạo, phía lòng bên trong được may bằng vải mùng cho dễ thoát nước. Một lu nước muối được đánh thật mặn (độ mặn đặt hạt cơm nguội phải nổi lên) để sẵn trước sân nhà chỗ có nhiều ánh nắng.
Tùy theo con nước có rươi xuất hiện nhiều, người dân nơi đây chỉ cần bơi xuồng cặp theo mé rạch để vớt rươi cho vào xuồng, đến khi đầy quay trở về nhà cho vào lu (nhớ tránh mạnh tay chất huyết sẽ tan ra). Sau đó, bịt kỹ miệng lu bằng tấm vải the (vải mùng) để tránh những vật khác rơi vào.
Độ 3 tháng sau, xác rươi rã chìm xuống đáy lu và trên mặt nổi lên một lớp bọt màu đo đỏ. Gạt lớp bọt sang một bên, ta thấy một chất nước trong suốt có màu hồng rất đẹp. Thế là xong, chỉ cần chiết ra chai để dành dùng trong nhà. Và cũng đừng quên, sau khi chiết hết nước trong lu ra, phần xác rươi còn lại lắng ở đáy lu là phần tinh túy nhất chẳng kém gì nước mắm nhỉ !!!. Ta chỉ việc múc ra đem kho quẹt (kho khô). Nhớ thêm ít tóp mỡ và ăn cặp với chuối chát, khế chua trong những bữa ăn đạm bạc thì thật là tuyệt diệu !!!.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Nhận xét
Đăng nhận xét