Bao thế hệ học trò trường THPT Sương Nguyệt Anh và trường THPT Phan Văn Liêm (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) vẫn thường gọi cô Nguyễn Thị Huỳnh Mai là... “dì ghẻ”.
Số là cô dạy môn văn và thường đảm nhận vai mụ dì ghẻ khi dạy tác phẩm Tấm Cám. Cô Mai còn có những sáng kiến rất táo bạo như viết nhật ký lớp học, đổi mới tiết sinh hoạt chủ nhiệm, họp phụ huynh, rèn luyện kỹ năng lắng nghe tích cực của giáo viên chủ nhiệm... Thông qua đó cô nắm bắt được tâm tư tình cảm của học trò từ bạn học khá đến bạn cá biệt.
Cô Huỳnh Mai (thứ ba từ phải sang, hàng đầu tiên) cùng các học trò mình - Ảnh: nhân vật cung cấp. |
Từ nhật ký lớp học...
"Là giáo viên dạy ngữ văn, tôi rất tâm đắc với quan điểm nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân. Mỗi nhân vật trong trang viết của ông dù là ai họ cũng phải là người nghệ sĩ trong nghề nghiệp của mình. Và tôi cho rằng giáo viên cũng là nghệ sĩ", cô Nguyễn Thị Huỳnh Mai.
“Các em thân mến, cô không có tham vọng gì khi bắt các em phải viết nhật ký. Cô chỉ nghĩ rằng quỹ thời gian để cô hiểu về các em quá ít. Cô mong muốn, hi vọng qua những dòng cảm xúc của các em (có thể rất ngắn), cô có thể là một cô chủ nhiệm tốt, một người chị, người bạn gần gũi của các em”.
Đó là những dòng chia sẻ rất đỗi chân tình mở đầu Nhật ký lớp học của cô Mai dành cho học trò lớp 12A4 và cũng là lớp do cô chủ nhiệm.
Sản phẩm tinh thần này được viết vào niên khóa 2009-2010 lúc cô công tác tại trường THPT Sương Nguyệt Anh và cũng là sáng kiến kinh nghiệm đoạt giải A năm học đó. Giờ đây, khi đã chuyển công tác sang trường THPT Phan Văn Liêm và chia tay bao thế hệ học trò nhưng khi nhắc đến những kỷ niệm về quyển sổ báu vật ấy, đôi mắt cô lại ánh lên một niềm vui khó tả.
Vô vàn câu nói yêu thương kèm theo những nỗi niềm thầm kín, những vui buồn vu vơ tuổi học trò được ghi chép cẩn thận. Nắn nót từng chữ nghiêng nghiêng, cô học trò tên Trinh thổ lộ: “Bước vào năm học 12 mình vô cùng mệt mỏi và căng thẳng. Những tưởng bao căng thẳng như dồn lên đôi vai bé nhỏ của mình khiến mình không thể đứng vững được nữa”.
Sau khi hóa giải những gút mắc cho trò, cô Mai lại ân cần tâm sự pha lẫn chút tếu táo vào quyển nhật ký: “Năm nay mẹ có tổng cộng 44 đứa con ngang hông cả trai lẫn gái. Nhắc đến các con của mẹ quả thật mỗi người mỗi vẻ. Con Trinh giữ em nhiều quá nên lớn hổng nổi. Thằng Mẫn lúc nhỏ có tật ăn cơm ngậm mãi trong miệng nên giờ lớn tí lại có tật nói lắp. Còn Tuyết Trinh, Bé Hai, Bé Tứ sao “mama” thấy các con có một chút gì đó khó gần... Quyển sổ này là cánh cửa cô trò mình cùng mở ra để thấu hiểu nhau”.
... Đến tháo gỡ những gút mắc
Cô Mai cho biết ghi nhật ký không phải là điều mới mẻ đối với học sinh, nhất là học sinh phổ thông. Viết là cách thể hiện tình cảm dễ dàng không gượng ép. Nhờ những dòng tâm sự mà cô nắm được tình hình tâm sinh lý của học trò để từ đó có hướng giải quyết kịp thời, giúp những mầm non thân thương vượt qua khó khăn trong cuộc sống và học tập.
“Nhật ký lớp học thành công nhất ở chỗ các thành viên trong lớp rất đoàn kết với nhau và rất tin tưởng giáo viên chủ nhiệm. Để khi các em cần giúp đỡ sẽ nghĩ ngay đến cô. Ngược lại lúc giáo viên dạy dỗ các em cũng rất nghe lời” - cô Mai chia sẻ.
Cô dẫn chứng trường hợp của em Linh khi em trút hết bầu tâm sự vào nhật ký: “Hôm nay đi học về tôi cảm thấy rất buồn vì điểm kiểm tra môn toán của mình rất thấp. Tôi không hiểu tại sao mình học mấy môn tự nhiên dở tệ quá. Vì lớp tôi là lớp tuyển nên thầy giảng bài và cho đề hơi cao một tí nhưng đâu phải bạn nào cũng giỏi đồng đều như nhau. Thông qua những dòng nhật ký tôi mong cô chủ nhiệm hãy chuyển lời đến thầy, hãy giảng chậm một tí...”.
Sau khi đọc xong, cô không chần chừ dắt tay học trò mình đến gặp thầy toán nhờ thầy kèm cặp trò này nhiều hơn, đồng thời “tỉ tê” để thầy thay đổi cách truyền đạt. Kết quả không chỉ Linh mà nhiều học trò yếu môn toán đều vượt qua kỳ thi tốt nghiệp với số điểm khá cao.
Mỗi tuần sẽ có khoảng năm trò viết những dòng chia sẻ và bất kỳ thành viên nào của lớp cũng được đọc nhật ký này. Đến thứ bảy giáo viên chủ nhiệm thu lại quyển nhật ký. Những nội dung chung sẽ được giáo viên trực tiếp trao đổi với lớp hoặc với thầy cô liên quan, còn những nội dung riêng tư giáo viên trực tiếp trao đổi với trò đó.
“Giáo viên không chỉ có nhiệm vụ đứng trên bục giảng để giảng dạy tri thức mà còn phải đảm bảo vai trò của một người thân trong gia đình, sẵn sàng chia sẻ với các em trong mọi hoàn cảnh. Đó mới là công tác chủ nhiệm” - cô Mai nhấn mạnh.
Bạn Nguyễn Trần Mai Hương, một trong 44 đứa con “ngang hông” của cô niên khóa 2009-2010, chia sẻ: “Nhờ cô em có thêm niềm tin, nghị lực trong cuộc sống. Cô chính là chỗ dựa, là người mẹ, người chị thân thiết của chúng tôi. Giờ nhớ lại năm học đó thầy cô và bạn bè không khác gì một đại gia đình”.
Mở diễn đàn cho phụ huynh
Dù ba năm qua không còn làm công tác chủ nhiệm nhưng không vì thế mà tình yêu của cô Mai dành cho học trò sút giảm. Thỉnh thoảng cô vẫn làm giáo viên chủ nhiệm “hờ” trong lúc nhà trường thiếu giáo viên. Hai niên khóa gần đây cô mạnh dạn đưa mô hình họp phụ huynh cải tiến vào ứng dụng.
Thay vì dành thời gian thông báo tình hình học tập các học sinh trong lớp, thông báo các khoản phí, cô lại biến buổi gặp mặt thành “diễn đàn” tâm sự giữa cha mẹ, ông bà với con cháu.
Cô Mai giải thích cách làm trước ngày họp phụ huynh, cô cho học trò “thú tội” với phụ huynh những gì làm được và chưa làm được rồi bỏ vào ngăn bàn. Sáng hôm sau phụ huynh sẽ ngồi vào đúng vị trí đó, đọc những dòng tâm sự rồi viết “tâm thư” gửi lại cho các em.
“Ba mẹ con đi làm xa, gửi con cho dì nuôi. Quần áo con dì giặt, cơm con ăn dì nấu. Dì chỉ có một mong muốn là con học tập thật tốt”. “Con nhờ ông đi họp phụ huynh vì sợ cha mẹ rầy la. Ngày xưa cha con cũng như con vậy đó.
Ông mong con cố gắng học giỏi để sau này thành tài” - những lời tâm sự đầy cảm động nhiều lần khiến cô Mai không cầm được nước mắt và càng tin tưởng bằng cách này sẽ làm lay chuyển các cô cậu học trò của mình. Dự định sắp tới của cô Mai là sẽ phối hợp với một số thầy cô khác triển khai mô hình kỹ năng lắng nghe tích cực của giáo viên chủ nhiệm. Đây là mô hình cải tiến của nhật ký lớp học.
Theo đó, mỗi bạn sẽ có riêng một quyển sổ tay nhỏ ghi chép những dòng tâm sự của mình. Cách làm này sẽ khắc phục được hạn chế của nhật ký lớp học là đảm bảo tính riêng tư để các em thoải mái giãi bày tâm sự.
Theo Tuổi Trẻ
Nhận xét
Đăng nhận xét